Văn minh Đông La Mã Đế_quốc_Đông_La_Mã

Kinh tế

Xem thêm thông tin: Kinh tế Đông La Mã

Đế quốc Đông La Mã sở hữu một trong những nền kinh tế phồn thịnh nhất ở châu Âu và Địa Trung Hải trong nhiều thế kỷ. Đặc biệt là châu Âu không thể sánh được với sức mạnh kinh tế của Đông La Mã cho đến tận cuối thời Trung Cổ. Constantinopolis là một trung tâm quan trọng bậc nhất trong một mạng lưới thương mại tại các thời điểm khác nhau kéo dài trên gần như tất cả lục địa Á-Âu và Bắc Phi, đặc biệt nó chính là điểm đến phía tây cuối cùng của con đường tơ lụa nổi tiếng. Cho đến nửa đầu của thế kỷ thứ VI và trái ngược hẳn với sự suy tàn ở phía tây, nền kinh tế của Đông La Mã đã phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ.[150] Tuy nhiên, Đại dịch Justinianusnhững cuộc chinh phục của người Ả Rập gây ra thay đổi tiêu cực đáng kể sự thịnh vượng của nó và góp phần dẫn đến thời kì trì trệ và suy thoái. Những cải cách của nhà Isaurios và đặc biệt, là sự gia tăng dân số dưới thời Konstantinos V, những công trình công cộng và cùng với những biện pháp đánh thuế, đã đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn hồi sinh mà vẫn tiếp tục cho đến tận năm 1204, bất chấp sự thu hẹp lãnh thổ.[151] Từ thế kỷ thứ X cho đến cuối thế kỷ XII, Đế quốc Đông La Mã là biểu tượng cho sự xa hoa và các vị khách thập phương đã bị ấn tượng bởi sự giàu có tích lũy ở kinh đô. Tuy nhiên cuộc Thập tự chinh lần thứ tư đã dẫn đến sự gián đoạn sức sản xuất của nền kinh tế Đông La Mã và sự thống trị thương mại của người Tây Âu ở miền đông Địa Trung Hải, những sự kiện chẳng khác gì một thảm họa kinh tế cho Đế chế [152] Nhà Palaiologos đã cố gắng để phục hồi nền kinh tế, nhưng nhà nước Đông La Mã vào giai đoạn cuối này sẽ không giành được bất cứ sự kiểm soát hoàn toàn nào đối với một trong hai thế lực kinh tế ngoại quốc hoặc ở cả trong nước. Dần dần, nó cũng đánh mất ảnh hưởng của mình đối với các phương thức thương mại và cơ chế giá, và quyền kiểm soát của nó đối với sự lưu thông những kim loại quý giá, và theo một số học giả, ngay cả việc đúc tiền xu.[153]

Khoa học, Y thuật, Luật pháp

Các tác phẩm của thời đại cổ điển chưa bao giờ bị ngừng trau dồi tại Đông La Mã. Vì vậy, khoa học Đông La Mã trong bất cứ thời kì nào đều gắn liền với triết học cổ đại, và siêu hình học.[154] Mặc dù vào nhiều thời điểm khác nhau Byzantine đã có được những thành tích tuyệt vời trong việc áp dụng khoa học (đặc biệt là trong việc xây dựng Hagia Sophia), thì từ sau thế kỷ thứ VI các học giả Byzantine chủ yếu chuyên tâm vào những nghiên cứu mới trong việc phát triển các lý thuyết mới hoặc mở rộng những ý tưởng của các tác giả cổ đại.[155] Sự uyên bác của họ đặc biệt đã bị tụt lại trong những năm tháng đen tối của bệnh dịch hạch và những cuộc chinh phục của người Hồi giáo, nhưng sau đó là thời kì được gọi là kỉ nguyên Phục hưng Đông La Mã vào cuối thiên niên kỷ thứ nhất, các học giả Đông La Mã đã tái khẳng định mình trở thành những chuyên gia trong việc phát triển khoa học của người Ả Rập và Ba Tư, đặc biệt trong thiên văn học và toán học.[156] Người Đông La Mã cũng được ghi nhận với những tiến bộ công nghệ, đặc biệt là trong kiến trúc (ví dụ như mái vòm có hình thù vuông vức) và công nghệ chiến tranh(ví dụ như lửa Hy Lạp).

Vào thế kỷ cuối cùng của Đế chế, những nhà ngữ văn Đông La Mã là những người chủ yếu chịu trách nhiệm trong việc truyền bá và ghi chép lại những nghiên cứu ngữ pháp cổ và văn học Hy Lạp đến đầu thời kì Phục Hưng ở Ý [157] Trong thời gian này, thiên văn học và toán học đã được giảng dạy ở Trebizond; y học cũng thu hút sự quan tâm của hầu hết các học giả [158]

Trong lĩnh vực pháp luật, những cải cách của Justinianus I có một ảnh hưởng rõ ràng đối với quá trình phát triển của luật học, và Ecloga của Leo III cũng đã ảnh hưởng đến quá trình hình thành nên hệ thống luật pháp của người Xlavơ.[159]

Tôn giáo

Nhằm thể hiện uy quyền phổ quát của Tòa Thượng phụ thành Constantinopolis, hoàng đế Justinianus I đã cho xây dựng Đại Thánh đường Hagia Sophia (nay là một viện bảo tàng), hoàn tất chỉ trong vòng 4 năm rưỡi (532–537).

Sự tồn tại của đế quốc ở phía đông đã đảm bảo vai trò tích cực của Hoàng đế trong các công việc của Giáo hội. Nhà nước Đông La Mã đã thừa kế từ thời kì đa thần giáo thói quen mang tính hành chính và tài chính về cách quản lý các vấn đề tôn giáo, và điều này tiếp tục được áp dụng cho Giáo hội Kitô giáo. Tiếp theo kiểu mẫu được thiết lập bởi Eusebius thành Caesarea, dân chúng Byzantine xem Hoàng đế như là một đại diện hay sứ giả của Chúa Kitô, có trách nhiệm đặc biệt đối với việc truyền bá Cơ Đốc giáo cho những người ngoại giáo, và cho những gì "bên ngoài" tôn giáo, chẳng hạn như việc cai trị và tài chính. Như Cyril Mango đã chỉ ra, tư duy chính trị Đông La Mã có thể được tóm tắt trong một phương châm "Một Đức Chúa, một đế chế, một tôn giáo" [160].

Vai trò của đế chế trong các công việc của Giáo hội chưa bao giờ mở rộng thành một hệ thống cố định và được xác định về mặt pháp lý[161] Với sự suy yếu của thành Roma, và bất đồng nội bộ của các Tòa Thượng phụ khác ở phương Đông, từ thế kỷ thứ VI tới thế kỷ thứ XI, Giáo hội thành Constantinopolis đã trở thành trung tâm giàu có nhất và có nhiều ảnh hưởng nhất trong thế giới Kitô giáo[162]. Ngay cả khi đế quốc đã suy yếu và chỉ là một cái bóng của bản thân nó trước kia, Giáo hội vẫn tiếp tục duy trì ảnh hưởng đáng kể cả ở bên trong và bên ngoài biên giới đế quốc. Như G. A. Ostrogorskiy chỉ ra:

Tòa Thượng Phụ thành Constantinopolis vẫn là trung tâm của thế giới Chính thống giáo, với các Tòa Tổng giám mục đô thành và các Tòa Tổng giám mục khác bao quanh, thuộc vùng Tiểu ÁBalkan, mà bây giờ Byzantium đã để mất, cũng như thuộc vùng Kavkaz, NgaLitva. Giáo hội vẫn là yếu tố ổn định nhất trong Đế quốc Đông La Mã.[163]

Tín lý Kitô giáo chính thức của nhà nước được định rõ bởi bảy Công đồng Đại kết đầu tiên, và sau đó bổn phận của hoàng đế đó là áp đặt lên thần dân của mình. Một chiếu chỉ của hoàng đế vào năm 388, sau đó đã được đưa vào Pháp điển Dân sự, đó là lệnh cho cư dân của đế chế phải "xưng nhận là Kitô hữu"; và coi tất cả những người không tuân thủ theo pháp luật là những "người điên và ngu ngốc" và là người theo "những tín điều dị giáo".[164]

Bất chấp những chiếu chỉ của hoàng đế và lập trường nghiêm ngặt của chính bản thân quốc giáo, tôn giáo mà sau này được gọi là Chính thống giáo Đông phương đó chưa bao giờ đại diện cho tất cả các tín đồ Kitô giáo trong toàn đế quốc Đông La mã hay cho Kitô giáo Đông phương. Mango cho rằng trong giai đoạn đầu của đế quốc, những "người điên và ngu ngốc" bị dán nhãn "dị giáo" bởi quốc giáo, lại chiếm phần lớn dân số.[165] Bên cạnh những người đa thần giáo đã tồn tại cho đến hết thế kỷ thứ VI và người Do Thái, là nhiều người - thậm chí có cả các hoàng đế - theo các giáo thuyết Kitô giáo khác nhau, như thuyết Arius, thuyết Nestorius, nhất tính thuyết (Monophysitism), thuyết Paulician..., mà trong một vài điểm nào đó dạy những điều đối nghịch với giáo thuyết thần học chính yếu được các Công đồng đại kết xác nhận.[166]. Một cuộc chia rẽ khác giữa các tín đồ Kitô giáo cũng đã xảy ra, khi Hoàng đế Leo III đã ra lệnh phá hủy các ảnh tượng trên khắp Đế quốc. Điều này dẫn đến một cuộc biến động tôn giáo đáng kể, nó chỉ kết thúc vào giữa thế kỷ IX với sự phục hồi các ảnh tượng. Trong cùng khoảng thời gian này, một làn sóng những người ngoại giáo mới đã nổi lên tại khu vực Balkan, có nguồn gốc chủ yếu từ những người Slavơ. Họ dần dần được cải sang Kitô giáo, và cho tới giai đoạn cuối cùng của Đông La Mã, Chính thống giáo phương Đông đã đại diện cho hầu hết các tín đồ Kitô giáo và nói chung là cho đa số cư dân trong những gì còn lại của đế chế[167].

Người Do Thái là một nhóm thiểu số quan trọng trong suốt chiều dài lịch sử của đế quốc Byzantine, và theo luật La Mã, họ tạo nên một nhóm tôn giáo được pháp luật công nhận. Vào giai đoạn đầu của đế quốc, nhìn chung họ đã được khoan dung, nhưng sau đó là thời kì mà tình hình trở nên căng thẳng và những cuộc bách hại xảy ra. Trong trường hợp nào đi nữa, sau những cuộc chinh phục của người Ả Rập theo Hồi giáo, phần lớn người Do Thái đã sống ở bên ngoài đế quốc Đông La Mã, trong khi những người còn lại bên trong biên giới đã sống trong sự yên bình tương đối kể từ thế kỷ thứ X trở đi[168].

Văn học và nghệ thuật

Sau khi hoàng đế Theodosius I tuyên bố Kitô giáo trở thành quốc giáo vào cuối thế kỷ thứ IV, hội họa—một lĩnh vực đặc biệt của nhà thờ dần dần tách khỏi những ảnh hưởng của nền nghệ thuật La Mã và Hy Lạp.[169] Nghệ thuật Đông La Mã là một phong cách nghệ thuật cực kỳ bảo thủ, vì lý do tôn giáo và văn hóa, nhưng vẫn giữ một truyền thống liên tục của chủ nghĩa hiện thực Hy Lạp.[170] Từ thế kỷ thứ V, tranh khảm trở thành kỹ thuật được ưa thích để dùng trang trí trên tường nhà thờ với các câu chuyện về Chúa.[171] Kỹ thuật mới dựa trên các đường nét thiếu đi chiều sâu về không gian được phát triển và hoàn thiện tại kinh đô Constantinopolis.[172] Kỹ thuật này được tái hiện lại với những bức tranh khảm trong những nhà thờ tại Ravenna vào đầu thế kỷ VI. Các chân dung có trán cứng, trong khi các chi tiết khác trên mặt là sản phẩm của một luật lệ khó hiểu được lặp lại từ chân dung này sang chân dung khác. Người ta bỏ đi kỹ thuật tạo bóng, không quan tâm đến mảng sáng tối khiến cho khuôn mặt bị mất đi khối. Sự khởi nguồn của nghệ thuật Đông La Mã giữa Constantinopolis và Hy Lạp được phát triển trong một thời gian dài và trải trên một vùng rộng lớn trải dài khắp châu Âu.[173] Từ thế kỷ X, hội họa Đông La Mã có trung tâm phát triển tại Nga và lan rộng sang các vùng xung quanh với tận thế kỷ thứ XVIII. Các sản phẩm nghệ thuật Đông La Mã tại đây chủ yếu là các biểu tượng tôn giáo. Tại vùng Balkan và đảo Crete, những biểu tượng tôn giáo được thực hiện theo phong cách Đông La Mã từ thế kỷ thứ XV đến thế kỷ XVIII.[174]

Trong văn học Byzantine, có bốn yếu tố văn hóa khác nhau cần được tính đến đó là: Hy Lạp, Kitô giáo, La Mã, và phương Đông. Văn học Byzantine thường được phân loại thành năm nhóm: sử gia và các nhà chép biên niên sử, những nhà bách khoa (Thượng Phụ Photios, Michael Psellus, và Michael Choniates được coi là những nhà bách khoa vĩ đại nhất của Byzantine) và nhà viết tiểu luận, và những tác giả của trường ca(Sử thi anh hùng duy nhất của Byzantine được chứng thực đó là Digenis Acritas). Hai nhóm còn lại bao gồm các nhóm văn học mới: Văn chương Giáo hội và thần học, cùng với thơ ca dân gian[175]

Trong số khoảng từ hai đến ba ngàn tuyển tập văn học Byzantine còn tồn tại, chỉ có 330 trong số đó là các trường ca, lịch sử, khoa học và giả khoa học.[175] Trong khi vào thời kỳ hưng thịnh nhất của văn học thế tục Byzantium kéo dài từ thế kỷ thứ IX đến thế kỷ XII, văn học tôn giáo của nó (bài giảng, sách nghi lễ và thơ ca, thần học, luận đạo đức, vv) đã phát triển sớm hơn nhiều với thánh Romanos là đại diện nổi bật nhất của nó.[176]

Thiết chế nhà nước và bộ máy triều đình

Đế quốc Đông La Mã là một quốc gia quân chủ chuyên chế và hoàng đế nắm quyền lực tuyệt đối, và quyền lực của ông đã được coi là có nguồn gốc thần thánh.[177] Viện nguyên lão đã không còn có thực quyền chính trị và lập pháp, nhưng vẫn là Hội đồng danh dự với các thành viên trên danh nghĩa. Vào cuối thế kỷ thứ VIII, một chính quyền dân sự tập trung vào triều đình trung ương đã được hình thành như là một phần của một sự tập trung quyền lực quy mô lớn ở kinh đô.[178] Cải cách hành chính quan trọng nhất, mà có lẽ đã bắt đầu vào giữa thế kỷ thứ VII, đó là việc tạo ra các khu bán quân sự Thema, tại đó bộ máy chính quyền và quân sự đã được đảm nhiệm bởi một người, viên quan strategos.[179]

Các thema, khoảng năm 650
Các thema, khoảng năm 950

Mặc dù đôi khi bị gọi một cách không xứng đáng bằng các thuật ngữ "kiểu Byzantine", "chủ nghĩa Byzantine" (vốn ngụ ý tính phức tạp và chuyên chế)[180], bộ máy chính quyền Đông la Mã có khả năng đặc biệt để tái thiết chế chính nó nhằm phù hợp với hoàn cảnh Đế quốc. Một hệ thống phong tước và thứ bậc tỉ mỉ, đem lại cho triều đình uy quyền và ảnh hưởng, khiến việc quản lý đế quốc giống như một bộ máy quan liêu ngăn nắp đối với những người quan sát hiện đại. Các viên chức được sắp xếp theo thứ bậc chặt chẽ xung quanh hoàng đế, phụ thuộc vào ý chí của hoàng đế về vai trò của họ. Cũng có những công việc mang tính hành chính thực sự, nhưng thẩm quyền có thể trao cho các cá nhân hơn là các cơ quan.[181]

Vào các thế kỷ VIII và IX, phục vụ chính quyền là con đường rõ ràng nhất để đạt tới hàng quý tộc, nhưng, từ sau đó trở đi, quý tộc thăng tiến từ ngạch dân sự chịu sự cạnh tranh bởi lớp quý tộc do dòng dõi. Theo một số nghiên cứu về chính quyền Byzantine, nền chính trị thế kỷ XI chứng kiến cuộc tranh giành quyền lực giữa hai nhánh quý tộc dân sự và quân sự. Trong thời kì này, Alexios I thực hiện những cuộc cải cách hành chính quan trọng, bao gồm việc lập nên những chức vị danh dự mới cùng các cơ quan tương ứng.[182]

Ngoại giao

Sứ đoàn của Thượng phụ Ioannes VII của Constantinopolis năm 829, giữa hoàng đế TheophilosKhalip nhà Abbasid Al-Ma'mun.

Sau sự sụp đổ của Tây La Mã, thách thức chính cho Đông La Mã đó là duy trì những mối quan hệ các nước lân bang. Khi các quốc gia này có khuynh hướng thiết lập nên các thể chế chính trị, họ thường bắt chước theo mô hình Constantinopolis. Bộ máy ngoại giao của Đông La Mã tìm cách lôi kéo những quốc gia lân bang vào một mạng lưới các mối quan hệ quốc tế và liên quốc gia.[183] Mạng lưới này xoay quanh việc thiết lập các hiệp ước, và bao gồm sự chào đón cai trị mới vào gia đình các vị vua, và sự đồng hóa theo các thái độ xã hội, giá trị và thể chế Đông La Mã[184]. Trong khi các nhà văn phương Tây cổ điển quan tâm tới việc tạo ra những khác biệt về luân lý và pháp lý giữa chiến tranh và hòa bình, những người Đông La Mã xem ngoại giao giống như một dạng chiến tranh bằng những phương tiện khác. Chẳng hạn, một mối đe dọa từ Bulgaria có thể đối phó bằng cách viện trợ cho Nga Kiev.[185].

Ngoại giao trong kỉ nguyên này được hiểu là có một chức năng thu thập tình báo nằm trên chức năng chính trị thuần túy của nó. Cục Man dân ở Constantinopolis xử lý những vấn đề về lễ tân và lý lịch cho những sự vụ liên quan tới những "dân mọi", và do đó có thể tự nó đã có chức năng tình báo cơ bản.[186] John B. Bury tin rằng văn phòng đã giám sát tất cả những người ngoại quốc tới Constantinopolis, và đặt dưới quyền của một vị thượng thư phụ trách liên lạc (logothetēs tou dromou).[187] Trong khi bề ngoài văn phòng lễ tân - phận sự chính là đảm bảo những phái đoàn nước ngoài được chăm sóc cẩn thận và nhận đủ tiền quỹ ngân sách để duy trì hoạt động, và nó gồm tất cả những phiên dịch viên chính thức - nó hẳn có luôn chức năng an ninh.[188].

Người Đông La Mã đã tranh thủ được nhiều lợi ích từ các thủ đoạn ngoại giao. Chẳng hạn, các sứ đoàn tới thủ đô thường ở lại nhiều năm liền. Một thành viên của các vương tộc xung quanh thường phải ở Constantinopolis, không chỉ là một con tin tiềm năng, mà cũng là một con tốt hữu dụng trong trường hợp những điều kiện chính trị của miền đất mà ông ta tới từ đó thay đổi. Một phương pháp quan trọng khác là nhấn chìm các vị khách bằng cảnh nhung lụa xa hoa.[183] Theo D. D. Obolenskiy, nền văn minh cổ ở châu Âu đã được duy trì là nhờ vào những kĩ năng và sự tháo vát của nền ngoại giao Đông La Mã, và là một trong những đóng góp cuối cùng của Đông La Mã cho lịch sử châu Âu.[189]

Ngôn ngữ

Ngôn ngữ ban đầu của chính quyền đế quốc, vốn có nguồn gốc từ Roma, là tiếng La tinh, và nó sẽ tiếp tục là ngôn ngữ chính thức của đế quốc cho đến thế kỷ thứ VII khi nó hoàn toàn bị thay thế bởi tiếng Hy Lạp dưới triều đại của Heraclius. Ngôn ngữ Latinh sẽ nhanh chóng bị tầng lớp có học thức từ bỏ nhưng ngôn ngữ này vẫn sẽ tiếp tục được sử dụng, đôi khi ở trong một phần các nghi lễ văn hóa của đế quốc.[190] Ngoài ra, tiếng Latin bình dân vẫn là một ngôn ngữ thiểu số ở bên trong đế quốc, và trong số những cư dân Thraco-La Mã, và từ đó nó đã sinh ra ngôn ngữ Tiền-Rumani.[191]

Tương tự như vậy, trên khu vực bờ biển Adriatic, một thổ ngữ Tân-Latinh đã phát triển và sau này sẽ hình thành nên tiếng Dalmatia. Ở các tỉnh miền Tây Địa Trung Hải được tạm thời khôi phục dưới triều đại của hoàng đế Justinianus I, tiếng Latinh (mà cuối cùng sẽ phát triển thành các ngôn ngữ Tây Rôman khác nhau) tiếp tục được sử dụng như một ngôn ngữ nói và ngôn ngữ của giới học giả.[192]

Ngoài triều đình, chính quyền và quân đội, ngôn ngữ chính được sử dụng trong các tỉnh miền đông đế quốc ngay cả trước khi đế quốc Tây La Mã suy yếu đã luôn luôn là tiếng Hy Lạp, nó đã được sử dụng ở khu vực này trước tiếng Latinh trong nhiều thế kỷ.[193] Thực ra vào giai đoạn đầu đời của đế quốc La Mã, tiếng Hy Lạp đã trở thành ngôn ngữ chung của Giáo hội Kitô giáo, ngôn ngữ của các học giả và nghệ thuật, và trên một mức độ lớn, là franca lingua cho thương mại giữa các tỉnh và với các quốc gia khác.[194]

Nhiều ngôn ngữ khác cũng đã tồn tại trong đế quốc đa sắc tộc này, và một số đã có được địa vị chính thức một cách hạn chế tại các tỉnh của chúng tại những thời điểm khác nhau. Đáng chú ý là vào đầu thời Trung Cổ, tiếng Syriatiếng Aramaic đã được sử dụng rộng rãi bởi tầng lớp có học thức ở các tỉnh phía đông.[195] Tương tự như vậy tiếng Copt, Armenia và Gruzia đã trở nên quan trọng trong giáo dục ở các tỉnh,[196] và những quan hệ ngoại giao sau này đã khiến cho tiếng Slavonic, tiếng Vlach, và tiếng Ả Rập đóng vai trò quan trọng bên trong đế chế và cả trong phạm vi ảnh hưởng của nó.[197]

Bên cạnh đó, từ lâu Constantinopolis đã là một trung tâm thương mại quan trọng nhất ở khu vực Địa Trung Hải và xa hơn nữa, hầu như tất cả ngôn ngữ thời Trung Cổ đã được nói ở bên trong đế chế vào một số thời điểm, ngay cả tiếng Trung Quốc.[198] Khi đế quốc dần đi đến lúc diệt vong, các công dân của đế quốc ngày càng trở nên đồng nhất về văn hóa và tiếng Hy Lạp đã gắn liền với bản sắc và tôn giáo của họ.[199]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đế_quốc_Đông_La_Mã http://www.roma.unisa.edu.au/07305/medmm.htm http://www.hls-dhs-dss.ch/textes/f/F029476.php http://concise.britannica.com/ebc/article-9383275/... http://www.britannica.com/eb/article-26400/history... http://findarticles.com/p/articles/mi_hb4706/is_19... http://books.google.com/?id=-4MeAAAAIAAJ http://books.google.com/?id=-90ewuAkZUsC http://books.google.com/?id=0_DfQgAACAAJ http://books.google.com/?id=0cWZvqp7q18C http://books.google.com/?id=1JgcAAAAMAAJ